Tâm phúc của Từ Hy Lý_Liên_Anh

Lý Liên Anh là thái giám đã phụng sự hậu cung nhà Thanh qua 4 đời vua, vì vậy cũng có thể coi vị Tổng quản này là "nguyên lão tứ triều". Từng đảm nhiệm Đại Tổng quản nội cung, chức vị của Lý Liên Anh cũng không phải chỉ là hư danh. Sinh thời, vị thái giám nổi tiếng "lắm mưu nhiều kế" vốn có năng khiếu thiên bẩm trong việc quản lý mọi việc chốn hậu cung.

Đặc biệt, việc bài trí vật phẩm cũng như thứ tự chuẩn bị lễ vật luôn được thái giám họ Lý ấy nằm lòng. Những hoạn quan khác mỗi khi gặp phải việc gì khó khăn vẫn thường phải nhờ đến sự chỉ giáo của Lý Tổng quản. Những dịp trong hậu cung có việc lớn, tài năng của Lý Liên Anh lại có "đất dụng võ". Nhờ vậy mà mọi bữa tiệc trong hậu cung được an bài dưới bàn tay ông đều diễn ra một cách thuận lợi.

Thế nhưng, những giai thoại về tài năng quản lý của Tổng quản Lý Liên Anh thì ít, mà câu chuyện về sự sủng ái của Từ Hy Thái hậu dành cho ông lại nhiều không đếm xuể. Trong số đó, có một giai thoại nổi tiếng truyền lại rằng, lý do Lý Liên Anh năm xưa được Lão Phật gia cưng chiều thực chất bắt nguồn từ "tay nghề" chải tóc trình độ thượng thừa của hoạn quan này. Theo đó, Từ Hy lúc còn trẻ đã vô cùng coi trọng việc chải đầu. Kể từ lần được Lý Thái giám bên người, mọi kiểu tóc của Thái hậu đều do Lý Liên Anh đích thân lo liệu. Vì thế về sau, Lý Liên Anh càng được Từ Hy tin cẩn[3].

Ngoài ra, mặc dù thuở nhỏ ít đọc sách, nhưng Lý Liên Anh nói năng khéo léo, uyển chuyển, chọc cười mà không hề thô thiển, ngược lại còn được rất nhiều người yêu thích. Mỗi khi rảnh rỗi, Từ Hy thường thích nghe Lý Liên Anh kể vài câu chuyện tiếu lâm để giải khuây. Những dịp này, thái giám họ Lý luôn đem hết bản lĩnh của mình để mang lại tiếng cười cho lão Phật gia. Vị thái giám Tổng quản này ăn nói khéo léo tới nỗi dù có châm biếm nhiều câu chuyện quan trường, chính trị cũng chẳng ai nhận ra hàm ý châm chọc hay bị ông làm cho phật ý.

Trên thực tế, số lượng tâm phúc bên người Từ Hy không hề ít. Nhưng những kẻ ấy cứ đến rồi lại đi, chỉ có Lý Liên Anh là người duy nhất cả đời trung thành với Từ Hy. Đến trước lúc qua đời, Từ Hy vẫn không quên dặn dò Long Dụ Hoàng hậu phải "chiếu cố" cho vị hoạn quan họ Lý này. Thậm chí tới lúc Thái hậu lâm chung, việc rửa mặt, chải đầu cho Từ Hy vẫn do Lý Liên Anh đích thân đảm nhiệm. Ngay cả quan tài chất đầy kho báu của bà cũng do thái giám họ Lý lựa chọn từng bảo bối và tận tay đặt vào.

Do tình hình chính trị bấy giờ rối ren, triều đình thối nát, không ít thái giám lợi dụng uy thế của triều đình để làm giàu. Gia tộc của Lý Liên Anh thậm chí còn giàu có hơn cả quý tộc hoàng gia, tài sản của ông khiến người ta phải ghen tị. Lý Liên Anh cũng bức hiếp Quang Tự Đế, đối xử tàn nhẫn, nhưng hoàng đế cũng phải nhẫn nhịn 7 phần. Sau vụ Mậu Tuất chính biến, Quang Tự Đế bị giam trong một phòng bẩn thỉu, ăn không được no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã tới khi chết, có người cho rằng đó là ý của Lý Liên Anh. Thậm chí khi biến loạn, ông là người đã đẩy Trân phi vợ của Quang Tự xuống giếng[4].

Có thể nói trong những năm cuối triều Thanh có hai thái giám có uy lực nhất đó là Lý Liên Anh và Tiểu Đức Trương (người kế nhiệm của Lý Liên Anh)[5], trong đó Lý Liên Anh là thái giám có dã tâm lớn và quyền lực cuối cùng của Trung Quốc. Tuy chức quan cao nhị phẩm danh giá nhưng sống ở thời loạn lạc, Trung Quốc phong kiến đứng trước thời thế thay đổi, nhờ mưu trí ông mới có thể trải qua những ngày tháng loạn lạc bình yên.

Tháng 10 năm 1908, Quang Tự Đế và Từ Hi thái hậu lần lượt qua đời. Lý Liên Anh cảm thấy mất đi chỗ dựa vững chắc, cộng thêm tuổi già sức yếu nên đã chủ động rút lui, nhường lại địa vị Tổng quản thái giám cho Tiểu Đức Trương[5]. Tương truyền rằng, trước khi rời cung, Lý Liên Anh còn làm một việc vô cùng thức thời. Ông đã đem những trân bảo năm xưa Từ Hy ban thưởng cho mình để dâng tặng cho Long Dụ thái hậu.

Khi ấy, Lý Liên Anh thưa rằng:

"Đây vốn là đồ của hoàng gia, không nên truyền vào dân gian, nô tài thay hoàng thất cẩn thận giữ gìn mấy thập niên, giờ đây tuổi già sức yếu, cũng nên rời cung đình, nguyện đem tất cả những vật này gửi lại cho chủ tử".

Việc làm ấy khiến Long Dụ hết sức hài lòng. Cũng nhờ vậy mà sau khi Lý Liên Anh qua đời, vị Thái hậu này còn theo quy chế dành cho đại thần, phát cho nhà ông 2000 lượng bạc làm chi phí lo mai táng.